Những chậu dâu tây Đà Lạt với lá xanh, hoa trắng nhuỵ vàng và trái chín mọng, màu đỏ đẹp mắt đang trở thành món hàng “độc” chơi tết của nhiều gia đình ở các tỉnh, thành trong nước. Chính vì thế nhiều nhà vườn cũng như công ty sản xuất dâu tây ở Đà Lạt đang nhận được nhiều đơn đặt hàng cung cấp cây dâu tây để xuất đi các địa phương trong nước. Ông Nguyễn Trung Thành - nông dân phường 7 Đà Lạt cho biết, gia đình ông đã bán được hơn 3 ngàn gốc dâu cho các thương lái đóng chậu gửi xe về xuôi. Hiện nay, có nhiều thương lái cũng đang tìm đến gia đình ông để đặt hàng nhưng ông đang lo không đủ hàng để cung cấp vì dâu tây phải trồng hơn 3 tháng mới có trái để đóng chậu được. Lúc đầu gia đình ông chỉ trồng dâu để thu trái, nhưng thương lái tới đặt mua cả gốc với giá cao nên gia đình ông đã bán để trồng giống cây khác. Hiện nay, các thương lái mua của nông dân tại vườn với giá trung bình 15 ngàn đồng 1 gốc.
Theo thạc sỹ Phan Hoàng Đại - Khoa Nông lâm Đại học Đà Lạt thì dâu tây cũng không phải là giống cây khó trồng nhưng đòi hỏi phải có nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng phù hợp thì cây mới sinh trưởng và phát triển tốt. Để trồng trong chậu và xuất đi các tỉnh khác ngoài Đà Lạt thì nên chọn giống dâu Newzealand và dâu Nhật vì giống dâu này chịu nhiệt tốt hơn. Nhiệt độ thích hợp cho cây dâu tây sinh trưởng và phát triển là từ 18-220C độ ẩm là trên 84% và cây cần ánh sáng mạnh. Riêng giống dâu Nhật thì có thể chịu được nhiệt độ cao hơn. “Chưa có một đề tài, thử nghiệm nào cho cây dâu tây Đà Lạt khi trồng ở các địa phương khác, nhưng tôi nghĩ dịp tết khí hậu miền Bắc có thể phù hợp cho dâu tây phát triển bình thường khi người dân mua dâu trưng tết” - thạc sỹ Đại cho biết. Những chậu dâu tây Đà Lạt với vẻ đẹp lung linh sẽ theo xe xuống núi và góp phần làm cho sắc xuân thêm tươi thắm trong những gia đình Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét